Lịch sử có thể sẽ là môn học bắt buộc ở bậc học THPT
Theo VOV, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra hôm nay (23/5), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề cập đến vấn đề học môn Lịch sử ở cập THPT.
Theo đó Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp. Trong đó có nhiều ý kiến trái chiều về việc đưa Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT. Việc này "có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường".
"Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã căn dặn "Dân ta phải biết sử ta/cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Do vậy, cần đổi mới cách dạy và học như thế nào, để nâng cao chất lượng, chứ không nên để môn lịch sử là môn học tự chọn", Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh. Được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát, hội thảo, nghiên cứu nghiêm túc, cầu thị để có giải pháp phù hợp.
Giữa tháng 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc bố trí môn Lịch sử trong chương trình mới vẫn đáp ứng được yêu cầu giáo dục môn học này cho học sinh phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản (năm năm tiểu học và bốn năm THCS) nhằm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (ba năm THPT) bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông.
Nhận xét
Đăng nhận xét