Tuyển sinh 2023: Các trường đại học “rầm rộ” mở thêm ngành học mới
Nhiều trường đại học đua nhau mở ngành mới
Theo VTC News năm nay, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến mở thêm bốn ngành, chỉ tiêu tăng từ 3.820 lên 4.280. Cụ thể 4 ngành mới gồm: Kinh tế số, Truyền thông và quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng (chương trình chuẩn) và Marketing số (chương trình chất lượng cao). Vì thế, trường cũng dự kiến tăng 460 chỉ tiêu so với năm ngoái, lên mức 4.280.
Nhà trường dự kiến bốn phương thức tuyển sinh được giữ ổn định, nhưng thay đổi tỷ lệ chỉ tiêu. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến dành 55% chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp, 15% chỉ tiêu từ điểm thi đánh giá năng lực, tư duy. Còn lại, trường dành 30% chỉ tiêu xét tuyển theo đề án riêng và theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. So với năm 2022, chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp giảm 10%.
Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, trong danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch giai đoạn 2021 – 2025 , Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có tổng 572 chương trình đào tạo các loại, trong đó có 192 chương trình đại học, 225 chương trình đào tạo thạc sĩ và 155 chương trình đào tạo tiến sĩ.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, so với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm rất nhiều ngành mới. Trong đó bậc đại học có 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sĩ có 118 ngành và bậc tiến sĩ có 55 ngành. Một số ngành/chuyên ngành đào tạo được dự kiến sẽ sớm xuất hiện như: Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic…
Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo tuyển sinh 63 chương trình đào tạo tăng 3 chương trình mới, gồm: Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano, Công nghệ vật liệu Polymer và Composit, Kỹ thuật sinh học. Ngành Kỹ thuật hóa học vẫn là ngành tuyển nhiều nhất với 520 chỉ tiêu, thấp hơn năm ngoái 80 em.
Trong khi đó, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế tuyển ít thí sinh nhất, tương tự những năm trước. Có hai chương trình chỉ tuyển 35 em, gồm Cơ khí hàng không (Chương trình Việt - Pháp PFIEV), Tin học công nghiệp và Tự động hóa (Chương trình Việt - Pháp PFIEV).
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.
Trường Đại học Thương mại đào tạo thêm năm ngành mới, nâng tổng số ngành đào tạo lên 36, tăng 700 chỉ tiêu so với năm ngoái. Năm 2023 trường có các ngành mới gồm: Phân tích kinh doanh trong môi trường số, Tiếng Trung thương mại, Quản trị khách sạn, Marketing thương mại và Thương mại quốc tế. Trong đó, ba ngành sau thuộc chương trình chất lượng cao. Trường cũng quay lại tuyển sinh hai chương trình hệ đại trà là Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Lý giải việc mở thêm ngành, đại diện trường Đại học Thương mại cho biết, các ngành này có tính mới và phù hợp với bối cảnh hiện tại, khi nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên cấp thiết.
"Trường định hướng tiên phong trong chuyển đối số, đón đầu các xu thế phát triển, nên các chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng đa ngành, có tính quốc tế, gắn với công nghệ và chuyển đổi số", vị này nói.
Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển 4.100 chỉ tiêu (tăng 50 thí sinh so với năm 2022). Trường mở hai ngành mới Kinh tế chính trị và Kinh tế chính trị quốc tế.
Trong đề án tuyển sinh năm 2023, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Tp.HCM thông báo bắt đầu tuyển sinh ngành đào tạo Digital Marketing. Chỉ tiêu của ngành này nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của trường (6.610 chỉ tiêu cho 34 ngành đào tạo).
Năm 2023, trường Đại học Thủy lợi thông báo sẽ mở mới 3 ngành là Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Trung và Luật Kinh tế với chỉ tiêu dự kiến là 40 sinh viên/ngành.
Đang thiếu những ngành có tính đột phá, tiên phong
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Nhà báo & Công luận, Giáo sư Phạm Tất Dong, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, nếu trường đại học bắt kịp được xu thế và tiến bộ thì đó là một ưu điểm.
Giáo dục đại học cần đào tạo nguồn nhân lực hướng đến có thể làm việc được ở nước ngoài tức là công dân toàn cầu. Đào tạo nhân lực để hướng đến khởi nghiệp. Nếu các trường đại học làm được điều đó thì quá tiến bộ.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề hiện nay nhiều trường đại học gặp khó đó là việc đầu tư cho công nghệ mới không được cao lắm. Nhất là khu vực khoa học xã hội. Nếu những trường chỉ giảng lý thuyết thì hiện rất lạc hậu.
Trong khi nhiều trường thiếu đầu tư bài bản nhưng lại chạy theo lợi nhuận, đua nhau mở ngành, tăng học phí nhưng chất lượng đào tạo không cao.
“Hình như các trường đại học của chúng ta chưa bắt kịp được với xu hướng của thế giới. Rõ ràng đây là vấn đề”, ông Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nhà nước đang giao cho nhiều trường đại học tự chủ nhưng cứ lúng túng mãi chứng tỏ phương hướng phát triển không rõ ràng.
Trong khi nhiều trường lại chạy theo những danh hiệu phù phiếm như chạy theo xếp hạng quốc tế, mua công bố khoa học để tăng thứ hạng.
“Các ngành nghề mới cần được nghiên cứu và cập nhật một cách có hệ thống. Hiện nhiều nước đào tạo một số lĩnh vực nhưng ở Việt Nam chưa thấy. Có thể do trình độ sản xuất ở Việt Nam chưa cao, nhưng cũng phải bắt đầu nghiên cứu để chuẩn bị đào tạo.
Vì muốn hay không muốn, khi thế giới phẳng nếu đại học trong nước không cập nhật chắc chắn sẽ không thu hút được sinh viên nước ngoài mà còn mất sinh viên từ trong nước khi các em chọn lựa du học. Mở ngành mới là phải theo hướng những ngành mà tương lai rất cần”, Giáo sư Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng xu hướng mở ngành hiện đang theo trào lưu và nhu cầu học tập của sinh viên; đang thiếu đi những ngành có tính đột phá, tiên phong nhằm chuẩn bị nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu phát triển đất nước lâu dài.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết, kỳ tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Dự kiến, kế hoạch tuyển sinh 2023 sẽ được công bố trong tháng 2, sớm hơn mọi năm để thí sinh có thể kịp bắt đầu năm học từ tháng 9/2023. Điểm mới của năm nay, lịch thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ được tổ chức sớm hơn so với năm ngoái, dự kiến vào tuần cuối của tháng 6 (thay vì vào tháng 7 như các năm trước). |
Nhận xét
Đăng nhận xét