Lịch sử là môn thi tốt nghiệp bắt buộc: Tránh biến việc học chỉ để đi thi

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến xã hội phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Dự kiến từ năm 2025, Lịch sử sẽ trở thành môn thi bắt buộc cùng với Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trước đó, trong Chương trình GDPT 2018 môn Lịch sử từ môn tự chọn đã được điều chỉnh thành môn bắt buộc cho khối THPT và năm 2025 sẽ là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.

Vì vậy, trước những nội dung này rất cần sự tham gia thảo luận của đông đảo các tầng lớp. Trên thực tế hiện nay, ngoài những nhóm ngành đặc thù liên quan đến nhóm ngành Khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu những năm trở lại đây rất ít các cơ sở giáo dục đại học lấy môn Lịch sử làm tiêu chí chọn xét tuyển của mình.

Đặc biệt đối với các trường như Đại học Ngoại thương, Học viện Tài chính,… hầu hết chỉ lấy các khối A, A1, D,… Điều này đặt ra, việc điều chỉnh môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc có cần thiết trong xét tuyển hay không?

Lịch sử là cơ sở của nhiều ngành học

Trả lời Người Đưa Tin về việc này, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng bản thân môn Lịch sử sẽ cung cấp kiến thức nền tảng cho mọi ngành nghề.

“Trường chúng tôi vẫn xét tuyển các tổ hợp có môn Lịch sử cho các ngành Luật Kinh tế hay nhóm ngành Kinh doanh, Khoa học xã hội và Ngôn ngữ. Bởi nếu làm kinh tế mà không biết lịch sử sẽ là một khiếm khuyết rất lớn”, ông Khánh nêu quan điểm.

Mặc dù nghe qua sẽ thấy lịch sử và làm kinh tế không liên quan nhưng đại diện nhà trường bày tỏ những đặc thù kinh doanh, bối cảnh thực tiễn, các yếu tố văn hoá, con người đều thể hiện rõ nét qua các yếu tố lịch sử của từng đất nước, từng địa phương.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa.

Ông Khánh cũng chia sẻ thêm: “Quan trọng hơn cả môn Lịch sử dạy con người nhân cách, lòng yêu thương, tôn trọng quá, điều này thì bất cứ ai ở ngành nghề nào đều phải có, vì vậy việc đưa Lịch sử là môn thi thứ 4 là cần thiết”.

Đối với các cơ sở đào tạo, nếu có những sự thay đổi trong quy định thi, chắc chắn các trường đều phải thay đổi lại các mục tiêu xét tuyển của mình, đánh giá và xem xét việc đưa Lịch sử thành môn xét tuyển cho những ngành phù hợp.

Cần thay đổi cách học, cách dạy

Là người trực tiếp giảng dạy, thầy Triệu Đình Phương - Phó bộ môn Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Thuỷ lợi cũng nhận định kiến thức lịch sử vẫn được sử dụng ở trong các khối ngành kinh tế, kỹ thuật.

Lý do là bởi những yếu tố liên quan đến lịch sử, văn hoá đều tác động mạnh mẽ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. “Đặc biệt đối với nhà quản trị phải đối mặt với những lực lượng lao động đa dạng ở trên toàn cầu thì không thể trách khỏi việc phải hiểu rõ nguồn gốc của họ”, thầy Phương nói với Người Đưa Tin.

Nhiều thay đổi cho phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 (Ảnh: Hữu Thắng).
Nhiều thay đổi cho phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 (Ảnh: Hữu Thắng).

Với các trường đào tạo các nhóm ngành xã hội, thì việc giảng dạy môn Lịch sử phải làm sao để việc học trở nên hiệu quả thay vì chỉ học để đi thi. PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, do đặc thù với những trường đào tạo các ngành khoa học cơ bản, nhiều năm nay nhà trường vẫn luôn có chỉ tiêu cho các khối xã hội.

"Môn Lịch sử hiện nay không còn máy móc học thuộc, các trường luôn cố gắng đổi mới phương thức giảng dạy, giúp cho các em biết vận dụng kiến thực của quá khứ vào hiện tại để hướng tới tương lai”, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương cho hay.

Cô Hương cũng lưu ý rằng, nếu môn Lịch sử trở thành môn thi chính thức, thì các trường THPT cũng cần quan tâm đến việc học và dạy như thế nào để phù hợp cho người học, tránh lối mòn, như vậy mới đạt được hiệu quả đào tạo.

Theo Bộ GD&ĐT, để phù hợp với Chương trình GDPT 2018, ngân hàng câu hỏi thi cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực.

Bộ GD&ĐT cần phải chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn cho 17 môn bao gồm môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1 (gồm 7 ngoại ngữ khác nhau), Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học. Trong đó có 3 môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và Tin học lần đầu tiên được xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cần chuẩn bị và lưu ý gì trước khi thi IELTS?

Câu hỏi Olympia: Cứu người như…? Thí sinh giỏi toàn quốc đưa ra đáp án khiến CĐM ‘tức mình’

TS Nguyễn Chí Hiếu nói về học sinh: Nhiều em giỏi nhưng bộ não đang chết dần đi