Thẩm định SGK: Qua nhiều vòng nhưng vẫn để lại 'sạn'
Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa có thông báo về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa (SGK) đối với các khối lớp 5, 9 và 12 của Chương trình GDPT 2018 bắt đầu triển khai từ năm học 2024-2025.
"Sạn" SGK gây băn khoăn trong dư luận
Theo Thông tư 33, hội đồng quốc gia thẩm định SGK được thành lập theo từng môn học, bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan, có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Và đội ngũ này phải đã từng tham gia một trong những công việc như xây dựng Chương trình GDPT, thẩm định Chương trình GDPT, biên soạn SGK, thẩm định SGK, hoặc có ít nhất 3 năm trực tiếp dạy học ở cấp học có SGK được thẩm định.
Hội đồng thẩm định SGK được thực hiện theo 2 vòng, dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn và các minh chứng cần đạt của từng bản thảo SGK và kết luận ở 3 mức đạt, đạt nhưng cần sửa chữa, không đạt.
Mặc dù đã được quy định rõ ràng, tuy nhiên, trong báo cáo về công tác biên soạn SGK được Bộ GD&ĐT công bố ngày 28/9/2022, ngành giáo dục phải ghi nhận việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào SGK chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội gây băn khoăn trong dư luận khi SGK đưa vào sử dụng.
Việc thẩm định SGK còn cần phải thực hiện qua nhiều vòng, nhiều đợt dẫn đến việc phê duyệt danh mục SGK còn chậm gây khó khăn trong việc tổ chức lựa chọn SGK.
Thậm chí trong báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 41 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ GD&ĐT đã phải lên tiếng thừa nhận rằng “một số bộ SGK ban hành vẫn còn “lỗi, sạn” gây ra dư luận không tốt.
Đặc biệt, khi quyết định phê duyệt SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục, vẫn còn tình trạng SGK vẫn có một số ngữ liệu học âm, học vần chưa thật phù hợp với học sinh lớp 1, một số nội dung, ngữ liệu, hình ảnh chưa phù hợp, cần chỉnh sửa, hoàn thiện trong các SGK lớp 2 và lớp 6".
Hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm về chất lượng
Là người trực tiếp tham gia vào quá trình viết và thẩm định sách Chương trình GDPT 2018, thầy Nguyễn Chí Trung - Trưởng bộ môn Phương pháp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết hội đồng thẩm định cũng sẽ có barem chấm điểm để căn cứ đánh giá. Tuy nhiên, để có những đánh giá chính xác vẫn phải lưu ý vào một số tiêu chí quan trọng.
“Đối với Chương trình GDPT 2018, cần so sánh mục tiêu của bài học khớp với yêu cầu cần đạt hay không, cụ thể mục tiêu là biểu hiện năng lực của học sinh. SGK phải trung thành với chương trình nếu không sẽ coi không đạt”, thầy Trung chia sẻ.
Nội dung thứ 2 được tính đến là mục tiêu của từng bài học phải được thể hiện đầy đủ trong nội dung tránh việc mục tiêu một đằng nội dung một nẻo, quan tâm đến các phần cho học sinh hoạt động, gắn với thực tiễn.
Thầy Trung cũng cho rằng trong quá trình thẩm định cũng phải lưu ý đến tính sư phạm, cách diễn đạt, những tình huống ví dụ nêu trong bài học, lời giảng có phù hợp với năng lực học sinh, lứa tuổi.
“Việc “sạn” SGK không phải do hội đồng không làm đúng quy trình mà bởi có người quan tâm đến câu từ, thuật ngữ, nhưng có người tập trung vào ý tưởng, mục đích sâu xa đằng sau nên ít chú ý đến câu từ. Trong quá trình tham gia thẩm định và viết sách đã phần các thành viên sẽ có nhiều ý kiến trái chiều và mọi người sẽ lập luận để đưa ra sự thống nhất cuối cùng”, thầy Trung bày tỏ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của thẩm định sách, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Tất Dong -nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương cho rằng sai sót của SGK ngoài trách nhiệm của các nhà xuất bản thì không thể không nhấn mạnh vai trò của Bộ GD&ĐT.
“Trách nhiệm chất lượng học sinh thuộc về Bộ GD&ĐT, nếu các nhà xuất bản viết sách kém thì không thể được thông qua và được xuất bản trên toàn quốc. Những cuốn sách giáo khoa kém chất lượng được đưa đến tay học sinh thì hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm”, ông Dong bày tỏ.
Ngoài ra, ông Dong cũng cho rằng ngành giáo dục đã nới lỏng, không làm hết trách nhiệm của mình nên mới để xảy ra những sai phạm, sai sót liên quan đến nội dung SGK.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng Chương trình GDPT 2018 tiếp cận theo hướng phát triển năng lực học sinh, điều này là phù hợp với xu thế chung nhưng phải hiểu rõ thế nào là phát triển năng lực?
“Để hiểu chính xác khái niệm, mục tiêu và tinh thần phát triển năng lực học sinh tôi e rằng có rất ít người hiểu. Đơn giản là bởi trước nay nền giáo dục Việt Nam đều đào tạo theo hướng tiếp cận nội dung nên không hiểu người ta “tiêu hoá” tiếp cận năng lực như thế nào. Điều đáng sợ nhất là những người trong hội đồng thẩm định chưa hết chuyện đó thì rất dễ dẫn đến việc thẩm định sai”, ông Khuyến đánh giá.
Theo chuyên gia, trách nhiệm của hội đồng thẩm định là rất hơn khi họ sẽ là người kiểm duyệt những nội dung mà các em học sinh sẽ học. Cùng với đó, nếu ngay ở khâu đánh giá, thẩm định được làm đúng quy định, chặt chẽ thì rất khó có những lỗi sai trầm trọng khi đưa sách ra xuất bản rộng rãi, tránh lãng phí.
Nhận xét
Đăng nhận xét