20 phương thức xét tuyển, thí sinh nên chọn thế nào để tăng cơ hội đỗ?

Những năm trở lại đây, bên cạnh việc xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học sử dụng nhiều phương án xét tuyển khác nhau. Việc này không chỉ giúp các trường đa dạng được nguồn sinh viên đầu vào mà còn giúp các thí sinh có thêm nhiều cơ hội trong việc tìm kiếm ngành học phù hợp với nguyện vọng.

Quá trình triển khai tuyển sinh hiện nay, điều dễ nhận thấy là phần lớn các cơ sở đào tạo đều đưa ra nhiều phương thức xét tuyển. Trong đó, mỗi phương thức xét tuyển có một đặc thù phù hợp đơn vị tuyển sinh, thể hiện định hướng của ngành nghề đào tạo và quyền tự chủ của các trường.

Đa dạng hướng đi cho thí sinh

Nghiên cứu các phương án tuyển sinh từ sớm, em Nguyễn Thuỳ Quyên (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã quyết định đăng ký xét tuyển bằng hình thức nộp chứng chỉ ngoại ngữ.

“Em có lợi thế về tiếng Anh nên đã ôn thi lấy chứng chỉ, rất may điểm số của em cũng phù hợp với một số ngành của Đại học Luật Hà Nội”, Quyên chia sẻ.

Theo bạn Quyên, có nhiều hình thức xét tuyển giúp bớt áp lực thi cử, nhưng em chỉ chọn những trường phù hợp với khả năng, không nộp tràn lan và nhiều trường lấy tiêu chí cao kết hợp với nhiều chứng chỉ khác nên việc trúng tuyển cũng rất cạnh tranh.

“Mặc dù đã nộp hồ sơ xét tuyển, nhưng em vẫn tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới để tăng cơ hội trúng tuyển, trước đó em đã tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực nhưng điểm số không tốt nên đã chọn phương án xét tuyển khác để đảm bảo chắc chắn”, Quyên bày tỏ.

Thí sinh cần nghiên cứu kỹ các phương pháp xét tuyển (Ảnh: Hữu Thắng).
Thí sinh cần nghiên cứu kỹ các phương pháp xét tuyển (Ảnh: Hữu Thắng).

Là học sinh Trường THPT Bắc Lương Sơn, em Ngọc Hoa mong muốn vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội với phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT. Hoa cho biết, bản thân em không tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực cũng các chứng chỉ ngoại ngữ vì không kịp ôn tập cũng như lệ phí thi lấy chứng chỉ khá cao.

"Tuy sẽ giảm cơ hội xét tuyển nhưng em chỉ chọn những phương thức phù hợp với năng lực”, Hoa bày tỏ.

Nhiều phương thức không đảm bảo tính hiệu quả

Theo báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 của Bộ GD&ĐT cả nước có khoảng 18 phương thức xét tuyển đại học, trong đó chủ yếu thí sinh nhập học theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập cấp THPT (học bạ).

Trong 18 phương thức thì có đến gần một nửa được đánh giá là chưa hiệu quả, khi số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học như phương án: Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu tỉ lệ thí sinh nhập học là 0,25%, Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp với kết quả THPT để xét tuyển có tỉ lệ nhập học 0,27%.

Mặc dù chiếm tỉ lệ rất thấp, tuy nhiên đến năm 2023, theo Công văn hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục, mầm non vẫn có đến 20 phương thức xét tuyển và các trường đại học vẫn sử dụng các phương án như: Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với phỏng vấn để xét tuyển (tỉ lệ thí sinh nhập học năm 2022 chỉ chiếm 0,01%), Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu,…

Về các phương thức xét tuyển đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cũng thông tin: “Có nhiều phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo không có thí sinh xác nhận nhập học hoặc số tỉ lệ thí sinh nhập học dưới 10% so với chỉ tiêu. Điều này thể hiện sự không hiệu quả cho cả thí sinh và các trường đại học, nhiều phương thức xét tuyển cũng gây nhiễu loạn thông tin cho thí sinh”.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT).
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT).

Bà Thuỷ cũng cho rằng các cơ sở đào tạo cần đánh giá lại hiệu quả của các phương án xét tuyển thông qua kết quả học tập của sinh viên sau khi nhập học từ đó có những phương pháp phù hợp. Ngoài ra vấn đề đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển cũng là điều được dư luận quan tâm mà các cơ sở đào tạo phải giải trình.

Thay đổi phương án xét tuyển nhằm phù hợp với thực tiễn, trao đổi với Người Đưa Tin, TS Nguyễn Thị Như Huế - Phó trưởng Ban Quản lý đào tạo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, việc dừng tổ chức thi năng khiếu báo chí cho nhóm ngành báo chí do ảnh hưởng của dịch bệnh thay vào đó nhà trường đã có điều chỉnh nhân đôi điểm môn Văn với các phương thức xét điểm học bạ và điểm tốt nghiệp THPT.

“Việc thay đổi này chúng tôi cũng đang trong quá trình xem xét, đánh giá chất lượng học sinh giữa các phương thức, để đảm bảo xét tuyển được những thí sinh có chất lượng, phù hợp với chuyên ngành tuyển sinh”, bà Huế thông tin.

Năm nay Học viện Báo chí và Tuyên truyền sử dụng 3 phương thức xét tuyển và tuyển thẳng theo quy định Bộ GD&ĐT.

Lưu ý với các thí sinh khi chọn phương thức, bà Huế cho rằng mỗi phương thức có tiêu chí riêng phù hợp với từng ngành, chuyên ngành đào tạo.

“Thí sinh cần tìm hiểu kỹ các yêu cầu của ngành mong muốn theo học, điểm trúng tuyển của những năm trước cũng là căn cứ để các em có thể cân nhắc, tham khảo. Nhưng tốt nhất đủ điều kiện phương thức nào nên nộp hết để tăng cơ hội trúng tuyển”, bà Huế cho hay.

Trước đó, trao đổi với báo chí Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: “Các trường tổ chức các kỳ thi riêng theo yêu cầu đánh giá của từng trường, từng ngành. Các cơ sở đào tạo dù tuyển sinh theo phương thức nào rất cần có phân tích nhất là sau khi các em vào học từ đó đưa ra những phương thức phù hợp để xác định chỉ tiêu nhằm đảm bảo công bằng”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết vẫn còn sự thiếu công bằng giữa các phương thức xét tuyển vì vậy các trường nên căn cứ dữ liệu của cơ sở mình để đưa ra những hình thức xét tuyển phù hợp.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cần chuẩn bị và lưu ý gì trước khi thi IELTS?

Câu hỏi Olympia: Cứu người như…? Thí sinh giỏi toàn quốc đưa ra đáp án khiến CĐM ‘tức mình’

TS Nguyễn Chí Hiếu nói về học sinh: Nhiều em giỏi nhưng bộ não đang chết dần đi