Nhà trường công khai danh mục sách giáo khoa trước thềm năm học mới
Chủ động thông tin đến phụ huynh, học sinh
Giữa tháng 7/2023, ghi nhận của Người Đưa Tin tại Tp.HCM, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) đã công bố danh mục sách giáo khoa lớp 10, 11 sử dụng trong năm học 2023-2024 trên trang thông tin điện tử và fanpage trường.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho hay, về cơ bản sách giáo khoa lớp 10 sử dụng trong năm học mới không có thay đổi so với năm học trước, đảm bảo về tính ổn định. Với sách giáo khoa lớp 11, nhà trường lựa chọn có tính kế thừa với năm lớp 10, đồng thời nằm trong danh mục sách giáo khoa được UBND Tp.HCM phê duyệt.
“Năm học mới, nhà trường vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ phụ huynh đăng ký mua sách giáo khoa. Với các bản sách giáo khoa điện tử, học sinh có thể sử dụng tham khảo tại nhà vì trong giờ học, học sinh không được sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân. Ngoài ra, nhà trường cũng trang bị nhiều bộ sách lớp 10, 11 tại thư viện để phục vụ cho học sinh khó khăn mượn học tập, đồng thời các em cũng sẽ được nhà trường tài trợ toàn bộ các khoản học phí đóng cho trường”, ông Nghi chia sẻ.
Tương tự, Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) cũng vừa công bố danh mục sách giáo khoa lớp 10, 11 theo Chương trình GDPT 2018 sử dụng trong năm học 2023-2024 trên các trang thông tin điện tử của trường và đến từng phụ huynh học sinh khối 10, 11.
Mỗi khối lớp, bộ sách sử dụng sẽ gồm 3 đầu sách: Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống. Trong đó, sách lớp 10 được giữ ổn định như năm học 2022-2023, riêng khối 11 có sự điều chỉnh ở một số bộ môn như ngữ văn, lịch sử, hoá học, giáo dục kinh tế và pháp luật, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp từ bộ sách Chân trời sáng tạo (khối 10) sang bộ Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống (lớp 11).
“Việc điều chỉnh này được các tổ bộ môn thẩm định, đánh giá, nghiên cứu dựa trên tính phù hợp và đặc thù học sinh của trường, từ bố cục nội dung, hình ảnh, cách thức trình bày. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh được đưa ra cũng từ việc rút kinh nghiệm sau một năm triển khai Chương trình mới ở khối 10”, ông Phạm Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh nói.
Lãnh đạo đơn vị này cũng cho rằng, việc công khai sớm danh mục sách giáo khoa sẽ giúp phụ huynh học sinh có sự chủ động trong mua sắm, chuẩn bị năm học mới. Với những trường hợp khó khăn khi mua sách, nhà trường sẽ có sự hỗ trợ. Ngoài ra, trường cũng trang bị thêm 60-70 đầu sách giáo khoa mới ở mỗi khối lớp để hỗ trợ học sinh mượn sử dụng trong năm học.
Nhà trường bán sách theo nhu cầu
Thời điểm này, danh mục sách giáo khoa các khối lớp 1, 2, 3, 4 năm học 2023-2024 được Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) niêm yết công khai trên website, bảng tin trường, được giáo viên chủ nhiệm thông báo đến các nhóm phụ huynh.
Bà Mai Thị Kim Phượng - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, sách giáo khoa được nhà trường chọn lựa thuộc danh mục sách đã được UBND Tp.HCM phê duyệt và được đánh giá phù hợp với năng lực học sinh, đặc thù đội ngũ.
“Nhà trường không yêu cầu phụ huynh học sinh phải mua sách tại trường. Phụ huynh nào có nhu cầu đăng ký nhà trường sẽ hỗ trợ, còn lại phụ huynh có thể chủ động từ chính danh mục sách được nhà trường cung cấp. Trên thư viện trường cũng trang bị các bộ sách giáo khoa mới để hỗ trợ học sinh mượn”, bà Phượng khẳng định.
Tương tự, bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) xác nhận, nhà trường đã công bố danh mục sách giáo khoa năm học mới. Trong đó, học sinh lớp 9 sử dụng bộ sách giáo khoa của chương trình cũ, còn học sinh từ lớp 6, 7 và 8 sử dụng sách giáo khoa của chương trình mới. Cụ thể, học sinh lớp 6, 7 sử dụng danh mục sách áp dụng từ năm học 2012-2022 đến nay. Riêng học sinh lớp 8 sử dụng danh mục mới năm đầu tiên áp dụng theo lộ trình.
Bà Giang cho hay, với danh mục sách đã được công bố, Ban Giám hiệu thông báo rõ ràng với phụ huynh học sinh rằng, nếu có nhu cầu thì nhà trường hỗ trợ đăng ký sách giáo khoa chung. Những trường hợp còn lại, phụ huynh có thể căn cứ vào danh mục sách nhà trường công bố để tự chuẩn bị cho học sinh.
Tại quận 6, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT địa phương này cho biết, Phòng đã hướng dẫn và triển khai công tác chuẩn bị cho năm học mới, đặc biệt là về sách giáo khoa đến các trường. Theo đó, học sinh các khối lớp 2 đến lớp 5, lớp 7 đến lớp 9 đã đăng ký sách giáo khoa với nhà trường sau khi kết thúc năm học 2022-2023.
Riêng học sinh đầu cấp, lớp 1, lớp 6 thì căn cứ vào số học sinh đã được phân bố, các trường đăng ký với đơn vị phát hành sách để chuẩn bị cho học sinh. Trường hợp phụ huynh không có nhu cầu thì các trường có thể trả lại.
Không gây khó cho phụ huynh mua sách giáo khoa
Xung quanh việc mua và sử dụng sách giáo khoa thời gian gần đây, phụ huynh Lê Thị Tiền, quận Gò Vấp băn khoăn: "Những cha mẹ có điều kiện tìm hiểu thì dễ dàng mua sách giáo khoa cho con em. Đối với phụ huynh không có điều kiện như ở vùng quê, để mua đủ bộ sách cho con trong năm học mới theo yêu cầu nhà trường là rất vất vả".
Phụ huynh này cũng chia sẻ: “Tôi có đứa cháu ở quê năm nay vào lớp 10, định gửi bộ sách của con tôi vừa học lớp 10 xong cho cháu. Nhưng hỏi ra mới biết trường của cháu lựa chọn bộ sách khác, nên không giúp được",
Trong khi đó, đối với chương trình cũ, giáo viên nhận thấy nhiều học sinh dùng lại sách của anh chị. Còn hiện tại, nhiều khi anh em học lớp trước, lớp sau không tận dụng được sách cũ.
Về việc các trường học sử dụng nhiều bộ sách, phụ huynh Huỳnh Yến Phương, ngụ quận Phú Nhuận cho rằng, mỗi bộ sách có cái hay, dở khác nhau.
“Tuy nhiên trường đã chọn thì cũng cần nêu lý do tại sao chọn để phụ huynh khỏi thắc mắc. Nhà trường cũng thông báo sớm và đủ thời gian để phụ huynh đăng ký mua sách cho con với sự hỗ trợ của nhà trường. Thực hiện minh bạch các đối tác cung cấp, tránh tâm lý nhà trường cố tình trộn sách từ các bộ sách khác nhau để gây khó khăn khăn cho phụ huynh dẫn đến việc phải mua sách thông qua trường”, phụ huynh ý kiến.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường thông tin công khai sớm danh mục sách giáo khoa ở các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018 sử dụng trong năm học 2023-2024 bằng nhiều hình thức: trên web, fanpage chính thức của trường, qua tư vấn học sinh lớp đầu cấp, qua giáo viên chủ nhiệm, đảm bảo từng phụ huynh học sinh nắm rõ, chủ động.
Đồng thời, Sở chỉ đạo các trường thống kê số lượng sách giáo khoa mà phụ huynh học sinh có nhu cầu đăng ký mua để thông tin cho các nhà xuất bản.
“Hiện nay, mỗi một bộ sách chương trình mới sử dụng trong trường học đôi khi sẽ gồm từ 2-3 bộ sách khác nhau, do vậy để tạo thuận lợi nhất cho phụ huynh, nhà trường cần chủ động liên hệ với các nhà xuất bản trong việc hỗ trợ mua sách cho học sinh. Ngoài các đầu sách được lựa chọn giảng dạy, nhà trường cần trang bị thêm các bộ sách đã được UBND Tp.HCM phê duyệt để tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh nghiên cứu, tham khảo”, ông Quốc nhấn mạnh.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT quán triệt các trường cần có có giải pháp hỗ trợ học sinh khó khăn về sách giáo khoa cho năm học mới, qua việc vận động mạng mạnh thường quân, trang bị sách trên thư viện để học sinh mượn.
Với riêng sách tham khảo, sách bài tập, các trường không được bắt buộc phụ huynh học sinh mua. Nhà trường có thể trang bị thêm trên thư viện để học sinh tham khảo.
Chọn sách để dạy và học tốt hơn
Chia sẻ với Người Đưa Tin, hiệu trưởng một trường THPT ở Tp.HCM nhận xét, mỗi bộ SGK có sở trường, sở đoản nhưng có đặc điểm chung là cấu trúc chương trình như Bộ GD&ĐT quy định, dù các tác giả có viết thêm 5-10% nội dung để làm phong phú hơn.
Theo vị hiệu trưởng này, sách giáo khoa không bắt buộc học sinh phải mua, tuy nhiên người thầy đứng lớp dạy cuốn sách nào thì phải giới thiệu cho học sinh biết cuốn sách đó để có sự tương thích giữa cách dạy của thầy và cách đọc sách của trò. Người thầy cũng phải hướng dẫn học sinh lên mạng tìm kiến thức phục vụ cho các bài học.
“Không nhất thiết phải có sách giáo khoa mới học được. Giáo viên có thể tóm tắt trên giấy A4 để học sinh chụp lại lưu trong điện thoại và học. Điều đó có nghĩa có nhiều cách chứ không nhất thiết phải triển khai nhiều bộ sách giáo khoa”, vị hiệu trưởng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM, hiện nay đã xã hội hoá sách giáo khoa, tránh tình trạng 1 bộ sách để xảy ra các hiện tượng như chủ quan, thiếu tính sáng tạo hay các hạn chế khác.
Tất cả sách giáo khoa dù của tác giả nào thì vẫn là tài liệu quan trọng, cần thiết nhưng trên nền tảng chương trình. Sách giáo khoa là cụ thể hoá chương trình, những bộ sách giáo khoa phát hành đều được hội đồng thẩm định phê duyệt.
Thực tế, bộ sách này phù hợp với vùng miền này nhưng có thể không phù hợp với địa phương khác, do vậy từng địa phương, trường học lựa chọn bộ sách nào đã được giao quyền để phù hợp với học sinh.
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Tp.HCM nêu quan điểm, Bộ GD&ĐT và các cấp quản lý giáo dục nên quản lý mục tiêu cả chương trình giáo dục đã được Chính phủ ban hành.
Bộ GD&ĐT nên có một ban chuyên về sách giáo khoa phổ thông. Ban này có nhiệm vụ theo dõi việc sử dụng, hiệu quả của sách giáo khoa, những bất hợp lý phát sinh đồng thời cũng nhận tài liệu biên soạn của tất cả tác giả để thẩm định và cấp phép cho giáo viên, học sinh được sử dụng nhằm tạo hiệu quả tốt nhất cho mục tiêu chương trình giáo dục.
“Một điều quan trọng nữa, hãy tìm cách mở rộng và huy động khối óc, trí tuệ, kinh nghiệm của tất cả nhà giáo để thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục nhằm thổi làn gió sáng tạo vào việc đóng góp cho giáo dục nước nhà”, ông Điệp bày tỏ.
Nhận xét
Đăng nhận xét